Hiện nay, ngày càng có nhiều người trên thế giới, bao gồm cả những người ở các nước có nền Tây y phát triển, nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của Đông y học trong việc giữ gìn sức khỏe, phòng bệnh và trị bệnh, từ đó, nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu, học tập, đi du học ở các nước có nền Đông y phát triển như Trung Quốc cũng ngày càng lớn. Vì vậy, chúng tôi mạnh dạn biên soạn và xuất bản cuốn sách Sổ tay tự học tri thức và cổ văn Đông y nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu nói trên.
Quyển sách này gồm 6 chương (Mở đầu; Triết học trong Đông y; Cơ thể của chúng ta; Bệnh tật; Chẩn đoán và biện chứng; Trị liệu, hộ lý và dưỡng sinh), có chương không phân mục (chương đơn), có chương chia ra thành nhiều mục. Mỗi chương đơn và mỗi mục đều gồm 3 phần: “Từ cơ bản” theo nội dung của mục (chẳng hạn “Từ cơ bản về đầu mặt”), “Thường thức Đông y” và “Thường thức ngữ pháp cổ văn Đông y”.
Như mọi người đều biết, giữa học tập Đông y và cổ văn có liên quan mật thiết với nhau. Học tập nắm vững từ ngữ cơ bản, thuật ngữ Đông y, học tập nắm vững các đặc điểm, quy tắc ngữ pháp cổ văn, học biết sử dụng các sách công cụ có liên quan, tiến tới dần dần đọc hiểu các trước tác cổ điển Đông y là cơ sở của cơ sở học tập Đông y.
Chẳng hạn, từ cơ bản “主” [chủ], ngoài một số ý nghĩa và cách dùng thông thường, trong Đông y còn là một động từ có nghĩa là “chủ trị”, như: “生姜主呕” (Gừng tươi chủ trị ói mửa); từ “吐” [thổ], ngoài một số ý nghĩa và cách dùng thông thường, trong Đông y còn là một danh từ có nghĩa là “thổ pháp”, cũng là một động từ có nghĩa là “dùng thổ pháp”, như: “病在隔上宜吐” (Khi tật bệnh xuất hiện ở vị trí trên cơ hoành thích hợp dùng thổ pháp).
Trong Đông y còn có nhiều thuật ngữ như “tiêu bản”, “tấu lý” và không ít khái niệm triết học phương Đông như “âm dương”, “ngũ hành” đã được nhiều sách giới thiệu, chúng tôi cố gắng lựa chọn cách giải thích ngắn gọn, dễ hiểu nhất ở các sách mới xuất bản trong mấy năm gần đây.
Tri thức Đông y riêng từng lĩnh vực đều rất sâu rộng, để phù hợp với mục đích của cuốn sách, chúng tôi lựa chọn những điểm có tính nhập môn, tính thường thức, mong muốn đặt chút nền móng để người đọc có hứng thú đi sâu nghiên cứu, học tập thêm.
Trong quá trình học tập, chúng tôi thấy những quy tắc, những đặc điểm ngữ pháp của cổ văn Đông y là cửa ải khó khăn nhất. Từ kiêm loại rất nhiều, chẳng hạn “之” [chi] có tối đa 4 từ loại – động từ, đại từ chỉ thị, đại từ nhân xưng và trợ từ, riêng là trợ từ cũng có tới ba cách dùng. Có lẽ ngày xưa do phải khắc chữ trên xương, trên thẻ tre, thẻ gỗ khó khăn, nên hiện tượng nói tắt, tỉnh lược rất phổ biến, như: “汗法” [hãn pháp] nói tắt thành “汗” [hãn]; “邪气” [tà khí] nói tắt thành “邪” [tà]…; không chỉ chủ ngữ, vị ngữ, tân ngữ có thể tỉnh lược mà ngay cả trung tâm ngữ của ngữ chính phụ định – trung cũng có khi được tỉnh lược, như“积证”[tích chứng] tỉnh lược thành “积” [tích]. Ví dụ: “积者,脏病也” (Tích chứng là bệnh biến của ngũ tạng). Hiện tượng đảo ngược trật tự thành phần câu cũng phổ biến không kém, như: “不己知” (Không hiểu bản thân) – tân ngữ được đảo lên trước động từ vị ngữ. Chính vì vậy, phần “Thường thức ngữ pháp cổ văn Đông y” chúng tôi sẽ giới thiệu kỹ hơn.
Chúng tôi rất mong cuốn sách sẽ là người bạn đồng hành của bạn đọc trong bước đầu học tập, nghiên cứu Đông y.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.